Bản tin tháng 12 năm 2020: Về Luật quản lý Thuế

Ngày đăng: 19/02/2021

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 105/2020/TT-BTC hướng dẫn về đăng ký thuế. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 17/01/2021. Dưới đây là một số thông tin thay đổi, nổi bật so với thông tư 95/2016/TT-BTC trước đây.

 

LUẬT QUẢN LÝ THUẾ

Chi tiết đối tượng đăng ký thuế

 

Người nộp thuế thuộc đối tượng thực hiện đăng ký thuế:

  • Thông qua cơ chế một cửa liên thông theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 30 Luật Quản lý thuế
  • Trực tiếp với cơ quan thuế theo quy định tại Điểm b khoản 1 Điều 30 Luật Quản lý thuế

Trong đó, đối tượng thực hiện đăng ký trực tiếp như cũ có bổ sung thêm:

  • Nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam (sau đây gọi là Nhà cung cấp ở nước ngoài)
  • Chi tiết hơn về Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức kinh tế, và cá nhân có trách nhiệm khấu trừ và nộp thay cho người nộp thuế khác phải kê khai và xác định nghĩa vụ thuế riêng so với quy định của pháp luật về quản lý thuế

 

Đăng ký thuế lần đầu cho người phụ thuộc

 

Theo quy định tại khoản 10 Điều 7 Thông tư số 105/2020/TT-BTC, người phụ thuộc nộp hồ sơ đăng ký thuế lần đầu như sau:

 

Trường hợp cá nhân có uỷ quyền cho cơ quan chi trả thu nhập đăng ký thuế cho người phụ thuộc:

- Địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế: Tại cơ quan chi trả thu nhập.

- Hồ sơ đăng ký thuế của người phụ thuộc:( Không thay đổi so với trước đây)

Cơ quan chi trả thu nhập tổng hợp và gửi Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 20-ĐK-TH-TCT ban hành kèm theo Thông tư số 105/2020/TT-BTC gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp cơ quan chi trả thu nhập.

 

Trường hợp cá nhân không ủy quyền cho cơ quan chi trả thu nhập đăng ký thuế cho người phụ thuộc:

 - Địa điểm nộp hồ sơ đăng ký thuế: Nộp cho cơ quan thuế tương ứng theo quy định tại khoản 9 Điều 7 Thông tư số 105/2020/TT-BTC.

- Hồ sơ đăng ký thuế gồm:( Không thay đổi so với trước đây)

Trường hợp cá nhân thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân đã nộp hồ sơ đăng ký người phụ thuộc để giảm trừ gia cảnh trước thời điểm Thông tư số 95/2016/TT-BTC có hiệu lực nhưng chưa đăng ký thuế cho người phụ thuộc thì nộp hồ sơ đăng ký thuế nêu tại khoản 10 Điều 7 Thông tư này để được cấp mã số thuế cho người phụ thuộc.

 

Thông báo tạm ngừng hoạt động, kinh doanh hoặc tiếp tục hoạt động sau tạm ngừng hoạt động, kinh doanh trước thời hạn

 

Theo quy định tại Điều 12 Thông tư số 105/2020/NĐ-CP, khi tạm ngừng hoạt động, kinh doanh hoặc tiếp tục hoạt động, kinh doanh trước thời hạn, người nộp thuế thực hiện thông báo theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 37 Luật Quản lý thuế, Điều 4 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và các quy định sau đây:

 

- Tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc diện đăng ký kinh doanh thực hiện gửi Thông báo mẫu số 23/ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư này đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp theo thời hạn quy định tại điểm c khoản 1, khoản 3 và khoản 4 Điều 4 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

- Sau khi cơ quan thuế đã ban hành Thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký, doanh nghiệp, hợp tác xã được cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký hợp tác xã chấp thuận tạm ngừng kinh doanh nhưng còn nợ thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước, có hành vi vi phạm pháp luật quản lý thuế, hóa đơn trước thời điểm không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký thì người nộp thuế phải hoàn thành nghĩa vụ thuế, hóa đơn còn thiếu, chấp hành các quyết định, thông báo của cơ quan quản lý thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP.

 

Các nghĩa vụ người nộp thuế phải hoàn thành trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế

 

Theo Điều 15 Thông tư số 105/2020/TT-BTC, người nộp thuế quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, m, n khoản 2 Điều 4 Thông tư này, trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế, phải phải hoàn thành các nghĩa vụ sau đây:

- Nộp Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn.

- Hoàn thành nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế và xử lý số tiền thuế nộp thừa, số thuế giá trị gia tăng chưa được khấu trừ (nếu có) theo quy định tại Điều 43, 44, 47, 60, 67, 68, 70, 71 Luật Quản lý thuế với cơ quan quản lý thuế.

- Trường hợp đơn vị chủ quản có các đơn vị phụ thuộc thì toàn bộ các đơn vị phụ thuộc phải hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế của đơn vị chủ quản.

 

Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định tại điểm i khoản 2 Điều 4 Thông tư này, trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế, phải phải hoàn thành các nghĩa vụ sau đây:

- Nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn theo quy định của pháp luật về hoá đơn nếu có sử dụng hoá đơn.

- Hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định tại Điều 60, 67, 69, 70, 71 Luật Quản lý thuế với cơ quan quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thuế.

- Người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp hồ sơ khai thuế, nộp thuế và xử lý số tiền thuế nộp thừa, số thuế giá trị gia tăng chưa được khấu trừ (nếu có) theo quy định tại Điều 43, 44, 47, 60, 67, 68, 70, 71 Luật Quản lý thuế với cơ quan quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai.

Đối với hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định tại Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thì trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế, hộ kinh doanh phải hoàn thành nghĩa vụ thuế với cơ quan thuế trực tiếp quản lý hoặc có văn bản gửi cơ quan thuế cam kết doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh kế thừa toàn bộ nghĩa vụ thuế của hộ kinh doanh theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Đối với cá nhân theo quy định tại điểm k, l khoản 2 Điều 4 Thông tư này, trước khi chấm dứt hiệu lực mã số thuế, phải phải hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế và xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định tại Điều 60, 67, 69, 70, 71 Luật Quản lý thuế với cơ quan quản lý thuế.