CHỦ ĐỀ 3: 04 CÁCH THỨC GIA TĂNG LỢI NHUẬN TRÊN BÁO CÁO KẾT QUẢ KINH DOANH

Ngày đăng: 01/06/2021

CÁC CHỈ SỐ TRÊN BÁO CÁO KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH

Làm thế nào để gia tăng lợi nhuận khi phân tích báo cáo kết quả kinh doanh?  Đầu tiên chúng ta cần phải hiểu nội dung được trình bày trên báo cáo kết quả kinh doanh thể hiện cái gì?

 

Báo cáo kết quả kinh doanh bao gồm 19 chỉ tiêu từ doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ tới lợi nhuận sau thuế và lãi trên mỗi cổ phiếu. Báo cáo kết quả kinh doanh phản ánh lợi nhuận của doanh nghiệp được làm ra trong 1 kỳ kinh doanh bằng cách lấy doanh thu trừ đi chi phí. Đối với báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, chúng ta cần lưu ý 3 điểm chính sau đây:

  1. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
  2. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ
  3. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh

 

4 loại lợi nhuận thể hiện trên báo cáo kết quả kinh doanh được tính bằng công thức:

  1. Lợi nhuận gộp = Doanh thu - Giá vốn
  2. Lợi nhuận thuần = Lợi nhuận gộp - Chi phí ( chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý kinh doanh)
  3. Lợi nhuận trước thuế = Lợi nhuận thuần + Lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh khác
  4. Lợi nhuận sau thuế = Lợi nhuận trước thuế - Thuế thu nhập doanh nghiệp

Mỗi lợi nhuận gộp đều có ý nghĩa riêng của nó và sẽ được phân tích rõ hơn ở phần sau để chúng ta có cái nhìn rõ ràng trong chiến lược kinh doanh

Chúng ta đều biết có 3 cách thức thông thường để gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp của mình gồm:

  1. Tăng doanh thu
  2. Giảm giá vốn
  3. Giảm chi phí vận hành

TỐI ƯU HOÁ LỢI NHUẬN TỪ PHÂN TÍCH CƠ CẤU DOANH THU, LỢI NHUẬN

Bài viết hôm nay chúng ta sẽ phân tích rõ hơn cách thứ 4 trong việc làm thế nào để có thể tăng lợi nhuận trong doanh nghiệp: Gia tăng lợi nhuận từ cơ cấu doanh thu và lợi nhuận (Tăng tỷ suất lợi nhuận gộp, thuần của từng mặt/nhóm/ngành hàng)

Mỗi doanh nghiệp đều không chỉ kinh doanh một sản phẩm hay một nhóm duy nhất mà cung cấp được nhiều sản phẩm, nhóm sản phẩm hay cung cấp được cho nhiều mảng thị trường khác nhau, nhiều cửa hàng, nhiều đại lý khác nhau. Từ việc phân tích lợi nhuận của từng mảng hay từng cơ cấu sản phẩm khác nhau chúng ta sẽ nhận biết được sản phẩm/nhóm sản phẩm/cửa hàng/mảng thị trường nào đem lại nhiều lợi nhuận cho doanh nghiệp. 


Ngay từ khi thực hiện thiết lập hệ thống doanh nghiệp ta phải thực hiện việc phân nhóm các sản phẩm/cửa hàng để từ đó không mất quá nhiều thời gian trong việc lập báo cáo kết quả theo từng ngành và phân tích cơ cấu doanh thu, lợi nhuận. Dưới đây là ví dụ đơn giản và cụ thể về tác dụng của việc phân tích doanh thu lợi nhuận từ đó khi chúng ta thay đổi cơ cấu này thì lợi nhuận sẽ thay đổi ra sao. 

VÍ DỤ BẢNG BÁO CÁO KẾT QUẢ KINH DOANH (theo nhóm hàng)

Đối với kỳ kinh doanh năm thứ n, công ty có 2 nhóm sản phẩm nhóm A và nhóm B. Tổng doanh thu trong kỳ kinh doanh là 35.000, giá vốn là 24.000 và lợi nhuận gộp là 11.000. Tỷ suất lợi nhuận gộp là 31,43% (tỷ suất lợi nhuận = lợi nhuận gộp /doanh thu) là tỷ suất lợi nhuận trung bình của cả hai mặt hàng. Nhóm hàng A đem về doanh thu là 20 ngàn, tỷ suất lợi nhuận gộp là 25%. Nhóm hàng B có doanh thu là 15.000 nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp là 40%. Với chi phí hoạt động kinh doanh trong kỳ sau khi đã hạch toán chi phí bán hàng cho từng nhóm hàng, chi phí tài chính và chi phí quản lý, tổng chi phí hoạt động của công ty là 5.300 (chiếm 15,14% trên tổng doanh thu): chi phí vận hành nhóm hàng A chiếm 8,79% tổng doanh thu và nhóm B chiếm 23,6%. Dựa trên kết quả kinh doanh, nhóm hàng A lợi nhuận sau thuế được 1.407 (chiếm 7,04%), nhóm hàng B được 2.833 (chiếm 18,82%). Doanh thu của nhóm A nhiều hơn nhóm B nhưng lãi gộp chỉ chiếm 45,54% ít hơn rất nhiều so với lãi gộp của nhóm B (54,55%). 

Nếu chúng ta thay đổi cơ cấu bán hàng và giữ nguyên chi phí, giảm 20% doanh thu nhóm hàng A và tăng 20% doanh thu nhóm hàng B, tổng doanh thu bị giảm 1.000. Từ đó doanh thu nhóm hàng A chỉ chiếm 47,06% và nhóm hàng B là 52,94%. Lãi gộp của nhóm hàng A giảm xuống còn 35,71% còn nhóm hàng B là 64,29%. Khi thay đổi tỷ trọng thì lợi nhuận sau thuế tăng một cách rõ rệt (tăng 12,94%). 


Khi thể hiện báo cáo kết quả kinh doanh cho từng nhóm hàng, ban Giám đốc sẽ có chiến lược và cần phải thay đổi để tăng doanh số bán hàng cho mỗi loại sản phẩm. Tương tự nếu trong cùng kỳ kinh doanh, ta có thể vừa thay đổi nhóm hàng hoặc tăng tỷ suất lợi nhuận của nhóm hàng cao hơn và giảm tỷ suất lợi nhuận của nhóm hàng thấp hơn. 

Cách thứ hai chúng ta có thể dùng là tối ưu hoá chi phí thay vì cắt giảm chi phí. Cắt giảm là khi chúng ta cắt giảm chi tiêu cho những chi phí cao. Còn tối ưu hoá chi phí là dựa vào bảng phân tích báo cáo kết quả, cân nhắc những khoản mục chi phí có thể cắt đi mà không làm ảnh hưởng đến doanh thu. Còn đối với những khoản mục cho các nhóm hàng sẽ mang lại doanh thu cao hơn thì chúng ta không cắt giảm mà phải chi tiền cho các chi phí này nhằm đem lại doanh thu cao. Tỷ suất lợi nhuận tăng sẽ tăng lợi nhuận cuối cùng của doanh nghiệp. 

VÍ DỤ BẢNG BÁO CÁO KẾT QUẢ KINH DOANH (theo cửa hàng)

Dưới đây là ví dụ tương tự về tối ưu hoá lợi nhuận nhưng được phân chia theo địa điểm của các cửa hàng thuộc doanh nghiệp. Giả sử có 2 cửa hàng khác nhau với doanh thu của cửa hàng A là 33,33% và cửa hàng B là 66,67% với tổng doanh thu của cả hai cửa hàng là 150.000. Tỷ suất lợi nhuận gộp của hai cửa hàng là bằng nhau nhưng tỷ trọng lợi nhuận thuần cửa hàng B lại chỉ bằng 1 nửa so với cửa hàng A (chiếm 32,63%). Lợi nhuận thuần trong cả hoạt động kinh doanh là 19.500. Trong trường hợp trên, giả sử chúng ta thay đổi cơ cấu của các cửa hàng để tăng doanh số bán hàng của cửa hàng A lên 27%, giảm của cửa hàng B xuống 10%. Kết quả nhận được là doanh thu không thay đổi nhưng lãi gộp tăng lên 2.000 so với trước đây. Lãi lợi nhuận sau thuế tăng từ 15.600 đến 17.120, tỷ suất lợi nhuận sau thuế từ 10,40% đã tăng đến 11,41%. 


Bảng báo cáo hoạt động kinh doanh khi được hạch toán đúng các chi phí và khoản mục và sắp xếp đúng vị trí trong bảng thì chúng ta sẽ có được kết quả rất rõ ràng. Điều này giúp cho ban quản trị đưa ra được các chiến lược và kế hoạch đúng đắn cho kỳ kinh doanh tiếp theo một cách hiệu quả



Dưới đây là video Chủ đề 3 được trình bày bởi ông Nguyễn Văn Công - Chủ tịch HĐTV - công ty TNHH BPG. 

Chủ đề 3: https://www.youtube.com/watch?v=F3hdnmfhB5g



Để xem thêm video từ chương trình huấn luyện thực thi cho doanh nghiệp của chúng tôi, hãy truy cập qua kênh Youtube: https://www.youtube.com/channel/UCziwhYbkAbHjvXgmoqQ6kcA